Cách giảm nhức mỏi mắt do sử dụng máy tính

11/10/2020 10:42

Máy tính là thiết bị rất cần thiết trong quá trình học tập và làm việc của mỗi người. Làm việc lâu với máy tính sẽ ảnh hưởng mắt, khiến suy giảm thị lực và mắc các tật về mắt.

Hậu quả để mắt tiếp xúc máy tính quá nhiều

Người sử dụng máy tính thường xuyên dễ gặp những bất ổn về thị giác như: nhức mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, đau đầu,... Có khoảng 60% người làm văn phòng mắc bệnh lý về mắt, 3⁄4 số người thường xuyên làm việc với máy tính gặp các rối loạn chức năng về mắt. Trong số đó đa phần mắc phải bệnh khô mắt.

Theo một số nghiên cứu khoa học, mắt ta chớp trung bình 20 lần/phút, từ đó mà nước mắt sẽ được điều chỉnh để làm ướt mắt và giúp loại bỏ một số bụi bẩn bám trên bề mặt nhãn cầu. Khi sử dụng máy tính, phải tập trung cao độ làm giảm số lần chớp mắt sẽ làm khô mắt, mắt bị cộm, rát đỏ và mờ đi, về lâu dài có thể gây ra tật khúc xạ cho mắt,... Đây là nguyên nhân chính làm nhức mỏi mắt do dùng máy tính.

Ngoài ra, cấu hình của máy tính cũng ảnh hưởng đến mắt. Các ký tự, hình ảnh trên máy tính không sắc nét và rõ ràng như trên giấy đòi hỏi mắt phải điều chỉnh để xử lý sao cho nhìn rõ các ký tự trong thời gian dài khiến mắt phải làm việc căng thẳng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó các yếu tố như cường độ ánh sáng của máy, ánh sáng phản chiếu từ bên ngoài, vị trí đặt máy tính chưa đúng hay chất lượng máy tính, tính chất công việc đòi hỏi phải tập trung từng chi tiết hàng giờ liên tiếp và cách ta bảo vệ mắt chưa hợp lý cũng gây ảnh hưởng không tốt đến mắt.

Nếu sử dụng máy tính ít và bảo vệ mắt hợp lý ta có thể mắc triệu chứng nhẹ như mỏi mắt, nhức mắt,... Nhưng nếu sử dụng máy tính không đúng cách trong thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng nặng hơn như: khô mắt, nóng rát như có dị vật ở trong mắt, mắt lòa đi dần và có cảm giác đau trong hốc mắt. Ngoài ra còn có đau đầu và mỏi nhức vùng cổ, lưng.

Sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Giải pháp bảo vệ mắt

Ngồi đúng tư thế: Mắt cách xa màn hình khoảng 50-60cm, tâm màn hình thấp hơn mắt khoảng 10-20cm, nên ngồi sao cho 2 tay song song với nền nhà, 2 chân vuông góc với mặt đất, thẳng lưng và giữ 2 vai cân bằng.

Đặt máy tính ở vị trí tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời chiếu vào màn hình. Nếu sử dụng máy vào buổi tối thì cần điều chỉnh độ sáng của đèn sao cho hợp lý, không quá tối cũng không quá chói, đặt máy ở nơi ánh đèn không phản chiếu vào màn hình. Chỉnh phông chữ và cỡ chữ phù hợp để mắt có thể nhìn thoải mái nhất. Vệ sinh màn hình máy tính thường xuyên cũng như lựa chọn máy có cấu hình sắc nét để mắt có thể thoải mái hơn khi làm việc, học tập. Nên đặt kính lọc cho màn hình hoặc dùng màn hình tinh thể lỏng sẽ giúp hạn chế mỏi mắt và giảm độ tương phản của màn hình.

Trong quá trình sử dụng máy tính phải chớp mắt nhiều lần để làm ướt mắt, không căng mắt quá lâu khi nhìn vào màn hình máy tính. Cho mắt nghỉ ngơi hợp lý, duy trì phương pháp 20-20-20, tức là khoảng 20 phút sau khi nhìn vào màn hình máy tính cần nhìn ra xa khoảng 20 feet (6m) trong vòng 20 giây, có thể nhìn ra cửa sổ hay nhìn ngắm cây cối để cơ mắt được thư giãn và điều tiết. Giữa các giờ làm việc nên cho mắt nghỉ khoảng 10-15 phút, massage nhẹ vùng xung quanh mắt.

Cần có chế độ ăn khoa học, đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng mắt. Bổ sung vitamin A, E, B2,... trong bữa ăn (rau xanh, cá hồi, củ quả như cà rốt, dâu tây, bơ, ớt,...).

Nên đi khám mắt định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các bất thường về mắt, giúp điều chỉnh và phòng tránh kịp thời những hội chứng do máy tính gây ra. Khi có dấu hiệu bất thường về mắt, nên đến chuyên khoa về mắt kiểm tra kịp thời nếu phát hiện các vấn đề xấu về mắt.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Lan Anh