Tục lệ cúng rằm trong dân gian

01/10/2020 20:08

Tâm thức dân gian Việt Nam từ xa xưa cho đến ngày nay rất coi trọng việc cúng kiến, để cầu mong cuộc sống bình yên, hòa thuận, ấm no; cũng tỏ lòng thành kính với thiên nhiên qua việc thờ cúng các vị Thần, thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, hoặc tưởng nhớ các bậc tiền hiền, hậu hiền hay ông bà tổ tiên. Trong đó, có một tục lệ cúng kiến phổ biến, thường xuyên, ăn sâu vào tâm thức dân gian người Việt là cúng rằm.

Rằm là ngày trăng tròn, sáng nhất trong tháng âm lịch (15 hằng tháng theo âm lịch). Một năm thường có 12 kỳ rằm, có năm 13 kỳ trăng rằm do lịch nhuần. Tục cúng rằm trong dân gian thường có nội dung, ý nghĩa cầu mong Trời, Phật độ hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đạo bình an, nhân duyên hội ngộ… Người Việt thường dâng cúng chư Phật, Cửu huyền thất tổ... các loại trà, bánh ngọt, trái cây, hoa vào các ngày Rằm trong năm. Trong đó, thường có 5 kỳ cúng rằm lớn với ý nghĩa và nhiều hoạt động phong phú.

Tại Việt Nam, Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu và cũng được chọn là Ngày thơ Việt Nam. Trong ảnh: Cần Thơ tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI. Ảnh: DUY KHÔI

Rằm tháng Giêng cũng là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên. Lễ hội trăng Rằm Nguyên tiêu thường từ giữa đêm 14, trọn ngày 15 cho đến nửa đêm 15 của tháng Giêng. Ngày rằm tháng Giêng hằng năm có tục người dân lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điều lành. Cúng sao giải hạn là do ảnh hưởng của tôn giáo, giao thoa với văn hóa dân gian bản địa rồi hình thành thói quen, tập quán đến ngày nay. Các chùa, am thường hướng dẫn Phật tử cùng tụng niệm những bài kinh hồi hướng công đức để bản thân, gia đình được tai qua nạn khỏi, cuộc sống được an lành.

Việc cúng rằm tháng Giêng diễn ra ở nhiều nơi và dần trở thành một phần sinh hoạt văn hóa. Ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, đêm Rằm Nguyên tiêu còn được xem là Ngày thơ Việt Nam, trở thành hoạt động văn hóa rộng khắp với các hoạt động tôn vinh thơ và những người làm thơ, tổ chức ngâm vịnh những bài thơ bất hủ các Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tại những địa phương có đông người Hoa sinh sống, vào dịp Rằm tháng Giêng có thêm nhiều sinh hoạt đặc sắc, phong phú tại các hội quán, gia đình, như:  nghi thức, diễu hành, trình diễn ca kịch, múa lân sư rồng, đố chữ, thư pháp, trình diễn âm nhạc, dán giấy cầu an, lì xì, dâng dầu đèn... Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Rằm tháng Tư, theo Phật giáo, đây là Đại lễ Phật Đản hay Lễ Phật đản sinh - từ tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Các nước theo Phật giáo xem rằm tháng Tư là ngày đại lễ. Trong đại lễ, Phật tử ăn chay, phóng sinh và làm các công việc thiện nguyện, không sát sinh. Theo lịch Ấn Độ cổ, ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của Đức Phật cũng là ngày Đức Phật thành đạo đồng thời là ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền tổ chức 3 lễ trong 1 ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (3 trong 1) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng). Ngày 15-12-1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Lễ Phật Đản tại Việt Nam, các phật tử thường đến chùa làm công quả, tham gia hoạt động thiện nguyện, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về những việc làm của bản thân để tu sửa, làm cho tâm hồn được an nhiên, tự tại. Ở nước ta, Lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Các địa phương tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng, tổ chức thuyết pháp cùng các buổi diễn văn nghệ, thi làm đèn lồng…

Rằm tháng Bảy cũng là Lễ Vu Lan báo hiếu hay ngày xá tội vong nhân, còn là ngày Tết Trung nguyên. Từ điển tích ngài Mục Kiền Liên (đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) do những nghiệp bà gây ra, để bà được siêu sinh, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, nhắc nhở con cháu báo hiếu bằng những việc từ tâm. Theo tín ngưỡng dân gian, đây còn là ngày ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân để thờ cúng và là ngày mọi tù nhân ở địa ngục được thoát sanh về cảnh giới an lành.

Trẻ em vui hội trăng rằm vào dịp Rằm tháng Tám - Tết Trung thu. Ảnh: DUY KHÔI

Rằm tháng Tám hay Tết Trung thu là một trong những ngày trăng tròn đẹp nhất trong năm. Vào đêm rằm tháng Tám, người ta thường tổ chức bày cỗ trà bánh để trông trăng. Các trẻ em chơi lồng đèn, múa hát vui vẻ dưới ánh trăng và được người lớn tặng bánh trung thu, trái cây... Ở một số nơi, thị tứ lớn, người ta còn tổ chức múa lân, sư, rồng để các em được có không khí náo nhiệt, vui vẻ hơn. Phong tục trông trăng, cúng rằm Trung thu cũng liên quan đến sự tích dân gian về chú Cuội bám theo cây đa bay lên trời. Nhìn lên mặt trăng ngày Trung thu, có thể thấy một vết đen rõ hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng đó là hình ảnh “chú Cuội ngồi gốc cây đa”.

Rằm tháng Mười cũng là Tết Hạ nguyên theo truyền thống Á Đông, được xem là ngày vía của “Dương Cốc Đế Quân” - vị thần chuyên giải tai ách, khổ nạn của bá tánh. Ngày này, các chùa, miếu tổ chức tụng kinh cầu nguyện, bà con đến thắp hương cầu an. Bên cạnh đó, văn hóa dân gian người Việt lý giải, sau khi gặt hái vụ lúa tháng Tám, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng và lúa đã đầy bồ, giữa mùa Đông mà lại được mùa, có lúa mới, người Việt nghĩ đến ơn nghĩa của trời đất cho mưa thuận gió hòa. Cho nên đến ngày rằm tháng Mười, người ta đem những gì đã được thu hoạch, chế biến thức ăn theo phong tục địa phương như xôi, chè, bánh ít, bánh cúng, bánh bột lọc, bánh gạo… cùng với mâm cơm dâng cúng thành hoàng bổn cảnh, thổ địa linh thông, tổ tiên, ông bà… Ngày Rằm tháng Mười vì vậy cũng được xem là dịp để tạ ơn, nên mọi người mua gạo nếp mới cùng những đặc sản giao mùa thu đông biếu ông bà cha mẹ, các bậc trưởng bối. Cũng có phong tục từ cổ xưa cho rằng rằm tháng Mười còn là Tết Cơm mới, mọi gia đình nấu gạo mới, sắm sửa hương hoa, đèn nến đem kính dâng Tam Bảo, cùng mâm lễ thơm ngon tinh khiết để cúng tổ tiên. Bởi vậy, rằm tháng Mười còn gọi là Lễ mừng lúa mới - lễ hội cổ truyền quan trọng của người Việt Nam.

Nếu tìm hiểu, nghiên cứu sâu sát, thì những câu chuyện, tục lệ vào những ngày rằm lớn có nhiều nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Tuy nhiên, khi du nhập vào nước ta, những phong tục, tập quán ấy dần được cải biến để phù hợp với nhu cầu tâm linh và tập quán lao động, đời sống của cư dân bản địa. Cúng rằm đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần gần gũi và đầy bản sắc

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Đặng Hoàng
Theo https://vanhien.vn/news/tuc-le-cung-ram-trong-dan-gian-79666