Đến mùa xắt củ... nấu canh

03/12/2020 16:00

Ngày trước, cứ đến mùa mưa là rau xanh ở quê tôi khan hiếm và đắt đỏ lắm, chứ không nhiều như bây giờ. Vậy nên, nhà nào nhà nấy đều lo trữ sẵn mớ củ lăng, củ từ, củ lang... để ngày mưa lại lôi ra nấu canh, thay cho các món canh nấu từ rau xanh thường thấy. Món canh củ dân dã, vừa lạ miệng, vừa thơm ngon, cứ thế làm ấm lòng bao người trong những ngày mưa dầm, giá lạnh...

Có ai từng sống ở dải đất miền Trung mà quên được những tháng mùa mưa dầm dề, lê thê tưởng chừng như thối đất, thối cát. Mưa tuôn, vườn ngập! Bao nhiêu thứ rau xanh trong vườn như cải, mồng tơi, rau muống... cũng chẳng thể nào trụ nổi trước những đợt nước lụt đục ngầu. Duy, chỉ có các loại củ từ, củ lăng trồng ở vùng đất cát ven biển là trụ được.

Vậy nên, cứ đến tháng ba, tháng tư âm lịch là người dân các xã ven biển Mộ Đức quê tôi ngày ấy đều đồng loạt lo đánh luống để xuống giống củ từ, củ lăng; rồi đến tháng chín thì thu hoạch. Nhà nào trồng ít thì để dành ăn, nhà nào thu hoạch được nhiều lại mang ra chợ bán. Mùa nào, thức ấy! Giá của các loại củ này vào thời ấy cũng rẻ rề. Thành thử nhà nào không trồng được, thì cũng tranh thủ mua về để dành cho 3 tháng mùa mưa. 

Đến mùa mưa, món canh củ dân dã trở thành món ăn có mặt thường xuyên trên mâm cơm gia đình của người dân quê tôi.          Ảnh: Ý THU

Ảnh minh họa nguồn internet

Ngày ấy, cứ đến mùa mưa, khi giá của các loại rau xanh trở nên đắt đỏ, cũng là lúc món canh củ trở thành món ăn có mặt thường xuyên trên mâm cơm nhà tôi. Nguyên liệu nấu món canh củ đơn giản lắm. Chỉ cần dăm cái củ từ, củ lang gọt vỏ, xắt mỏng, cùng một ít củ hành tím là đã đủ cho một món ăn dân dã, nhưng đậm đà. Nhà nào có điều kiện, thì mua một ít xương hoặc thịt heo về nấu cùng cho ngọt nước. Riêng tôi, vẫn cứ thích món canh củ thuần túy, không cần cầu kỳ. Nghe qua thì giản đơn thế đấy, nhưng để nấu nên được nồi canh củ ngon, phải lựa cho đúng loại củ từ chập - một giống củ từ bản địa của huyện Mộ Đức. Loại củ từ này nhỏ và dài hơn giống củ từ mua về từ Đà Nẵng, nhưng khi nấu chín, củ sẽ mềm, bột và thơm hơn nhiều.

Để canh củ thêm phần đậm đà, nội tôi ngày ấy không dùng dầu ăn, mà xén một ít nước mỡ heo cho vào chảo đun sôi cho tan ra, sau đó bỏ vào đấy một vài củ nén hoặc hành tím phi lên rồi mới bỏ hỗn hợp củ từ, củ lang, củ lăng vào đảo đều. Khi củ gần chín tới, nội mới bắt đầu đổ nước sôi vào, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi để lửa riu riu cho đến khi củ mềm rục thì tắt bếp. Với cách nấu này, thì không cần xương heo, thịt heo, nước canh vẫn thơm, ngọt không thua kém món cao lương mĩ vị nào.

Dân dã, dễ nấu! Món canh củ cứ thế theo tôi suốt những năm tháng ấu thơ. Nhớ lắm những ngày mưa năm ấy, vừa đi học về đã thấy nội lo sửa soạn mâm cơm chiều. Nội vừa giục mấy chị em tôi xuống bếp ngồi hơ tay chân cho ấm, vừa múc cho mỗi đứa một chén canh củ và bảo: “Mấy đứa ăn lần cho ấm người”. Đơn giản vậy thôi, mà ngon vô cùng. Đơn giản vậy thôi, mà nhớ mãi không khí ấm cúng của ngày mưa năm ấy!

 

 

 

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Hà Vy
Theo http://baoquangngai.vn/channe1l/2047/202012/den-mua-xat-cu-nau-canh-3033389/