Tăng cường liên kết để nâng có giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Hà Nội

09/11/2019 18:31

Nhận thức vai trò, ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của trung ương trong thực hiện chương trình OCOP, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm làng nghề, nông sản…

TP. Hà Nội là địa phương triển khai mô hình OCOP sau tỉnh Quảng Ninh nhưng đã đạt được một số thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Hà Nội phấn đấu hết năm 2019 có 11 sản phẩm đạt 3 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Ngoài 2 sản phẩm được đề nghị cấp 5 sao, các sản phẩm đã được UBDN TP. Hà Nội phân hạng 3 sao và 4 sao chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là các sản phẩm OCOP đến từ 5 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Thanh Oai và Thường Tín. Các sản phẩm được phân hạng 3 sao, 4 sao thông qua quá trình đánh giá nghiêm túc, trách nhiệm.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí (ảnh trên) cho biết: Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; các sản phẩm 1-2 sao là các sản phẩm khởi đầu của OCOP sẽ phấn đấu để đạt các thứ hạng cao hơn. Để được công nhận các sao, sản phẩm OCOP sẽ qua đánh giá tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương thông qua các tiêu chí: Sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá và xếp hạng cấp thành phố, 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia. 



Vấn đề đặt ra trong lúc này là làm thể nào để tăng cường liên kết để nâng có giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Hà Nội. Từ những kết quả bước đầu dưới đây của huyện Thanh Trì, các địa phương khác trong toàn Thành phố có thể tham khảo.
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp An Phát (HTX An Phát - xóm 9, thôn 3, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) đang có 30ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hécta rau, củ, quả của các xã: Đặng Xá (Gia Lâm), Nam Phương Tiến (Chương Mỹ), Duyên Hà (Thanh Trì), Bắc Hồng (Đông Anh). Mỗi ngày, HTX này cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn rau, củ các loại; doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. "Năm 2019, chúng tôi đăng ký 7 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, gồm: Su hào, bắp cải, súp lơ, rau muống, cà chua, giá đỗ và đậu phụ" - Giám đốc HTX An Phát Lưu Ngọc Nam chia sẻ.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) cũng có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Theo Phó Tổng Giám đốc công ty Bùi Văn Thành, đơn vị đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội để thu mua lợn thương phẩm phục vụ việc chế biến. Sản phẩm thịt lợn của công ty đang được tiêu thụ tại nhiều siêu thị, chuỗi bán lẻ, bếp ăn tập thể... khoảng 3-4 tấn/ngày.

Về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho hay, Thanh Trì đang có nhiều vùng sản xuất tập trung: Trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh. Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề: Bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà), miến dong (xã Hữu Hòa), dệt (xã Tân Triều)... với hàng trăm doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia. Đây chính là lợi thế để huyện phát triển chương trình OCOP. Mục tiêu của Thanh Trì đến 2020 có 45 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố (từ 3-4 sao). Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 90 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP cấp thành phố, hiện nay, các chủ thể tham gia chương trình OCOP huyện Thanh Trì đang củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Giám đốc HTX An Phát Lưu Ngọc Nam cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm; thực hiện vùng sản xuất theo quy trình VietGAP; cải tiến mẫu mã, bao bì…

“Các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP cũng chính là những việc mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện để hoàn thiện sản phẩm. Chúng tôi coi việc tham gia OCOP là cơ hội để củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng niềm tin cho người tiêu dùng” - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Bùi Văn Thành cho biết.

Nông sản là một trong những nhóm sản phẩm trong chương trình OCOP. Các sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chí và được công nhận sản phẩm OCOP là các sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mở ra cơ hội nâng cao giá trị cho sản phẩm.

"Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi được hưởng các hỗ trợ từ các cấp chính quyền về đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã số, mã vạch; chi phí về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm" - ông Thành cho biết thêm.

Còn theo ông Chu Minh Thắng (thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), chương trình OCOP giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm chất lượng, mang đặc sắc văn hóa của các vùng miền và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Để đẩy mạnh chương trình OCOP trên địa bàn, huyện Thanh Trì đã bổ sung nhiệm vụ “Chỉ đạo, quản lý, thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP” - đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn huyện.

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Trì. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá “sông trong ao” ở xã Đại Áng (huyện Thanh Trì).

Cùng với đó, Thanh Trì đã tập huấn cho hơn 200 lượt người là chủ thể tham gia OCOP và cán bộ thực hiện chương trình; hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ sản phẩm, lựa chọn sản phẩm để đánh giá, phân hạng. Mới đây, Thanh Trì triển khai công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2019 đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Qua đó, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đã bình xét, lựa chọn được 29 sản phẩm (rau, củ, quả; thịt lợn; giò, chả…) của các HTX, doanh nghiệp để đề nghị thành phố công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố.

“Nhờ triển khai đồng bộ, bài bản, chương trình OCOP đang tạo động lực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo điều kiện mở rộng, phát triển kinh doanh; tạo đà cho các doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp tại khu vực nông thôn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh nhấn mạnh.

Được biết, để triển khai Chương trình OCOP năm 2019, Bộ Công Thương với nhiệm vụ chính là phát triển thị trường, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền đã triển khai một số hoạt động đã hỗ trợ 12 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Ngoài ra, tổ chức các hội nghị kết nối các sản phẩm nêu trên vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên địa bàn cả nước. 

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Quỳnh Trang
Theo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam