Vai trò của các sản phẩm OCOP trong quá trình cấu trúc lại ngành Nông nghiệp

29/11/2019 18:00

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đặc biệt là tạo ra những tiền đề cấu trúc lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Hà Nội đến năm 2020. Nhằm phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm, trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định, đúng tiến độ, xét đề nghị của Sở NN&PTNT tại Văn bản số 3661/SNN-VPĐPNTM, ngày 31-10-2019, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện đánh giá, phân hạng toàn bộ các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21-8-2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

Chương trình OCOP bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP thực chất là giải pháp là phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương, đó là những sản phẩm tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Xương sống của OCOP là “Chu trình OCOP thường niên”, được thực hiện liên tục, lặp đi lặp lại hàng năm. Theo Chu trình này: Các sản phẩm phải do người dân đề xuất, không phải là chỉ định của cán bộ hay cơ quan hành chính Nhà nước; Dựa trên đề xuất của người dân, Nhà nước hỗ trợ một một phần kinh phí (Những nội dung mà các chủ thể khó thực hiện) và chỉ đạo, định hướng lồng ghép các nguồn lực sẵn có từ các Chương trình MTQG như: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững…. các đề án, dự án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;  Các sản phẩm tham gia Chương trình bắt buộc phải được chấm điểm và phân hạng theo tiêu chí; Được hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Trong Chương trình này Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm…còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện sử dụng, bảo quản nhất cho người tiêu dùng.

Mục tiêu của Chương trình OCOP là nhằm thực hiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là: khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới; làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp; góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố; thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế khu vực nông thôn. OCOP tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch tại các vùng miền.

Như vậy Chương trình OCOP tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như: hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; tạo công ăn việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, anh sinh xã hội…Đó là các vấn đề cốt yếu mà Đảng, Nhà nước đã xác định trong các Nghị quyết: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động; mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, 15.000 hợp tác xã;…Vì vậy OCOP không đơn thuần là chương trình kinh tế, mà còn tham gia thực hiện các vấn đề về chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn, do vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến huyện, xã để Chương trình OCOP được triển khai một cách có bài bản, nghiêm túc.

Tiềm năng phát triển Sản phẩm OCOP Hà Nội

Hà Nội là địa phương có hơn 1.300 làng nghề và có lợi thế rất lớn khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm gọi tắt là OCOP. Mặc dù triển khai chương trình muộn hơn so với các tỉnh, thành khác nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những đơn vị bạn thì Hà Nội đang dần khai thác được lợi thế, tiềm năng của mình trong việc triển khai Chương trình OCOP, đáp ứng kỳ vọng của người dân các địa phương có nghề truyền thống.

Qua quá trình rà soát, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ có 300 sản phẩm được đánh giá phân hạng từ 1 cho đến 5 sao, trong đó nhóm các mặt hàng sản phẩm nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ sẽ được ưu tiên để đánh giá phân hạng trong năm nay. Tạo cơ sở để Hà Nội tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP qua hệ thống các Siêu thị lớn của Thủ đô và trong cả nước.

Huyện Mê Linh hiện có 5 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó thế mạnh của địa phương là các sản phẩm nông sản, hoa cây cảnh.

Theo chỉ đạo của Thành phố, hiện nay, huyện Mê Linh cũng đã thành lập được Ban Chỉ đạo Mỗi xã một sản phẩm của huyện. Từ đó, huyện sẽ tiến hành đánh giá, rà soát các sản phẩm tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm từ đó tổng hợp để Thành phố tiến hành đánh giá phân loại, xếp hạng sản phẩm. Khi tham gia vào chương trình Mỗi xã một sản phẩm là điều kiện thuận lợi để các làng nghề được đầu tư, hỗ trợ phát triển hợp lý để phát triển, tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như thúc đẩy xây dựng hiệp hội làng nghề để từ đó tạo động lực cho làng nghề phát triển ổn định. Việc triển khai chương trình đã đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân mong muốn phát triển, lưu giữ hồn cốt của làng nghề cho thế hệ mai sau.

Hà Nội thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019.

Nếu thế mạnh của Mê Linh là các sản phẩm nông sản thì đối với huyện Chương Mỹ chủ yếu là các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Huyện Chương Mỹ hiện có 95 làng có nghề, trong đó có 36 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó, một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của huyện đã xây dựng được thương hiệu như: sản phẩm mây tre Phú Vinh, Mây tre đan Chương Mỹ; một số làng nghề được nhiều người biết đến như: mộc Phù Yên, xã Trường Yên, mộc Phúc Cầu, xã Thụy Hương, thêu ren - Yên Cốc, xã Hồng Phong; Nón lá - Văn La, xã Văn Võ; điêu khắc đá – xã Phụng Châu... Quan tâm đúng mức, quảng bá đúng tầm sẽ là cơ hội để các làng nghề của Chương Mỹ mở rộng phát triển, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề của địa phương không chỉ trong nước mà hướng tới xuất khẩu.

Đối với Hà Nội, ngay sau khi được UBND thành phố Hà Nội thông qua Chương trình triển khai Mỗi xã một sản phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị chuyên trách để phối hợp với các địa phương triển khai chương trình theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội sẽ tập trung đánh giá phân hạng cho 1000 sản phẩm nông sản, làng nghề của các địa phương. Do thời gian gấp gáp, năm 2019, sẽ có 300 sản phẩm OCOP của Hà Nội được đánh giá phân hạng và sẽ được công bố vào tháng 12 tại Festival Nông nghiệp do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ giúp các làng nghề của thành phố Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề, thu hút nhiều du khách tham quan mua sắm tìm đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 


Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nông nghiệp Mường Bi

Tập đoàn Central group, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh, Bến Tre phối hợp tổ chức rất thành công hội chợ sản phẩm OCOP tại Siêu thị BigC Thăng Long Hà Nội và BigC An Lạc thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình  đã tổ chức hội chợ OCOP của địa phương, doanh thu từ các hội chợ là hàng chục tỷ đồng, từ hội chợ đã mở ra nhiều cơ hội về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Công ty VN post mart phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xây dựng sàn giao dịch điện tử và cung ứng sản phẩm OCOP theo yêu cầu của khách hàng và còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã, đang sẵn sàng cam kết đồng hành cùng Chương trình OCOP, giúp đỡ địa phương trong công tác chứng nhận, chuẩn hóa sản phẩm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì lợi thế về sản vật, cảnh quan, văn hóa... ở các địa phương chưa được khai thác hết tiềm năng, sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhìn chung còn chậm, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, mô hình sản xuất kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) còn thiếu cả số lượng và chất lượng; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô; thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại (nguyên liệu, lao động, văn hóa...); tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và năng suất lao động khu vực nông thôn đạt thấp; công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường. Chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn còn tư tưởng làm cho, làm thay, người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế theo quy mô hàng hoá; chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường chưa thực sự được coi trọng (bao bì, chứng nhận an toàn thực phẩm, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc) cùng với đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị là trở ngại cho sự phát triển sản phẩm văn hóa truyền thống cũng như phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.


Toàn cảnh Hội nghị

Cơ hội và thách thức của khởi nghiệp trong Chương trình OCOP

Việt Nam là đất nước nông nghiệp, với văn hóa vùng miền đa dạng, mỗi vùng miền có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt với những sản phẩm truyền thống, đặc trưng, lợi thế độc đáo khác nhau, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, cơ hội khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp rất lớn, ngoài ra trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành, nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu bức thiết, lượng tiêu thụ đang ngày càng gia tăng, trong khi cung chưa đủ cầu. Cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, an toàn, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới còn nhiều tiềm năng do nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đang tăng lên, mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các tổ chức kinh tế trong nước. Vấn đề này, càng trở nên cấp bách với Thủ đô Hà Nội trong quá trình cấu trúc lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP của nhà nước thì nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến sản phẩm nông nghiệp nước ta có xu hướng gia tăng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc…đang có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn tại các trường đại học đáp ứng nhu cầu cho sản xuất rất dồi dào, các trung tâm đào tạo áp dụng tiến bộ, thiết kế sáng tạo sản phẩm OCOP và doanh nghiệp khởi nghiệp đang hình thành và phát triển.

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua còn nhiều khó khăn, trước tiên phải kể đến thu nhập của người dân còn thấp và tư duy sản xuất chưa cao, khiến việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao gặp không ít khó khăn, dẫn đến có sự thay đổi đáng kể về tập quán canh tác, nhưng vẫn rất chậm chạp.

Thiếu những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như: Hỗ trợ vốn để đầu tư cho sản xuất; quỹ đất đủ lớn để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và xây dựng nhà xưởng. Thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn, do đó chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến kinh doanh sản phẩm phẩm từ nông nghiệp.

Tổ chức quảng bá, truyền thông sản phẩm chưa được tổ chức bài bản, quy mô, rộng khắp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường còn gặp nhiều khó khăn và chưa thật sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa tìm được thị trường ổn định và bền vững.

Định hướng và giải pháp phát triển khởi nghiệp trong OCOP

Kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP của UBND thành phố Hà Nội đã cụ thể những chính sách cụ thể và đầu tư đủ mạnh, có trọng điểm cho nông nghiệp để nông nghiệp nhanh chóng phát triển thành một nền nông nghiệp tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu trong việc tổ chức lại nông dân, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, khởi nghiệp vào lĩnh vực phát triển sản phẩm nông nghiệp, cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức sản xuất truyền thống; Thực hiện tốt công tác quy hoạch,  mở rộng đầu tư hạ tầng, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp và xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn đầu tư cho những sáng kiến khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ cho sản xuất.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị. Tăng cường sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học – nhà doanh nghiệp - nhà nông) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác phát triển; tranh thủ mọi nguồn vốn từ ngân sách, các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm đầu tư mở rộng sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có uy tín trên thị trường. Đầu tư mạnh cho nghiên cứu về thị trường, về nghiên cứu khoa học công nghệ, từ kỹ thuật sản suất, chăm bón, thu hoạch, chế biến, bảo quản, lưu kho đến thị trường trong nước và quốc tế. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải phóng sức lao động là giải pháp có tính then chốt, đột phá để tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Doanh nghiệp khởi nghiệp trước hết phải có đam mê và đối diện với khó khăn thất bại vì nếu không dám làm, không dấn thân, sợ thất bại thì không thể thành công. Nếu chưa có kinh nghiệm, phải đi học để học kinh nghiệm làm doanh nghiệp, phải biết xây dựng, phát triển các mối quan hệ, xây dựng kế hoạch phát triển khả thi và sản phẩm tốt để tìm nhà đầu tư. Muốn khởi nghiệp từ OCOP thành công, thì điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, thắt chặt liên kết giữa “4 nhà” và đó chính là bàn đạp vững chắc, thành công cho những doanh nghiệp chọn khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP.

----

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://thuonghieuvacuocsong.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.

Văn Phong
Theo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam